Chúng tôi giúp bạn thực hiện giấc mơ về một tổ ấm.

Thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ khu vực đô thị

02/08/2019

Theo các quy định pháp luật hiện hành, nhà ở riêng lẻ khu vực đô thị là một trong những công trình phải xin giấy phép xây dựng. Dưới đây là toàn bộ thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ khu vực đô thị, TTAH xin tổng hợp lại để quý khách hàng tiện theo dõi.

Thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ khu vực đô thị

1. Căn cứ pháp lý

Căn cứ pháp lý là cơ sở để công dân có thể soi chiếu các quy định, thủ tục sao cho thực hiện đúng hoặc giám sát quá trình thực hiện của các cơ quan nhà nước. Thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện dựa trên các căn cứ pháp lý sau:

- Luật Xây dựng năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015);

- Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng;

- Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng (có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 8 năm 2015);

- Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 về sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 06 năm 2015 của Chính phủ;

- Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng.

- Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng (có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2016).

2. Hồ sơ xin cấp phép xây dựng

Để có thể xin được giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền, chủ sở hữu công trình cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp GPXD theo mẫu; Trường hợp đề nghị cấp GPXD có thời hạn thì tiêu đề của đơn được đổi thành “Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn”;

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Trường hợp giấy tờ về quyền sử dụng đất không đầy đủ thông tin về ranh giới, kích thước vị trí, diện tích trên lô đất thì phải kèm theo trích đo bản đồ địa chính do đơn vị tư vấn khảo sát có đủ năng lực lập và được UBND cấp xã xác nhận);

- Bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, mỗi bộ gồm:

+ Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50 - 1/500 kèm theo sơ đồ vị trí công trình;

+ Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỷ lệ 1/50 - 1/200;

+ Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/50 - 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50 kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 - 1/200;

- Báo cáo kết quả thẩm định thiết kế của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với công trình theo quy định phải được thẩm định thiết kế;

- Văn bản chấp thuận biện pháp thi công móng của chủ sở hữu đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận đối với công trình xây chen có tầng hầm;

- Bản cam kết của chủ sở hữu bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề đối với công trình xây dựng có công trình trình liền kề.

- Bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức, cá nhân thiết kế theo mẫu tại Phụ lục số 3 Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng, kèm theo bản sao chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, đối với công trình chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế;

3. Thời gian xét duyệt hồ sơ

10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

4. Trình tự cấp phép xây dựng

- Tiếp nhận hồ sơ:

+ Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp: Hồ sơ được nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC (Bộ phận Một cửa), chuyển giao Phòng Quản lý đô thị.

+ Trường hợp hồ sơ nộp trực tuyến: Hồ sơ được tiếp nhận tại địa chỉ website tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của UBND cấp huyện, chuyển giao Phòng Quản lý đô thị.

- Phòng Quản lý đô thị thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực địa, soạn thảo kết quả giải quyết, trình Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Lãnh đạo Ủy ban cấp huyện ký kết quả giải quyết, chuyển Phòng Quản lý đô thị.

- Phòng Quản lý đô thị hoàn thiện hồ sơ và chuyển kết quả giải quyết cho Bộ phận Một cửa.

- Bộ phận Một cửa vào số, đóng dấu, trả kết quả cho Chủ đầu tư.

5. Thẩm quyền cấp phép xây dựng

Các cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng được quy định cụ thể tại các Khoản 1, 2, 3, Điều 103, Luật Xây dựng 2014 là Ủy ban nhân dân cấp huyện.

6. Lệ phí cấp phép xây dựng

Lệ phí cấp phép xây dựng là 50.000VNĐ/ giấy phép. Tuy nhiên, mức lệ phí này còn phụ thuộc vào địa bàn xin cấp phép, ví dụ như Hà Nội là 75.000VNĐ/giấy phép, TP. Hồ Chí Minh 50.000VNĐ/giấy phép, Đà Nẵng 50.000VNĐ/giấy phép...

7. Mẫu đơn xin giấy phép xây dựng

Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng (Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng).

Tin tức liên quan

02/08/2019

Nếu muốn thay đổi, sửa chữa thì chủ sở hữu công trình phải thực hiện thủ tục xin giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình.

02/08/2019

Công trình nhà ở được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn nhưng quy hoạch chưa được thực hiện thì phải gia hạn giấy phép xây dựng.