Chúng tôi giúp bạn thực hiện giấc mơ về một tổ ấm.

Thủ tục xin giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình

02/08/2019

Trong trường hợp công trình, nhà ở gặp sự cố hoặc do nhu cầu muốn thay dổi, sửa chữa thì chủ sở hữu công trình phải thực hiện thủ tục xin giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình.

Thủ tục xin giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình

1. Căn cứ pháp lý

- Luật Xây dựng năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015);

- Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng;

- Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng (có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 8 năm 2015);

- Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 về sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 06 năm 2015 của Chính phủ;

- Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng.

- Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng (có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2016).

- Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng.

2. Hồ sơ xin giấy phép sửa chữa, cải tạo

- Thành phần hồ sơ:

+  Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở theo mẫu.

+ Bản sao được công chứng hoặc chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc giấy tờ về quyền quản lý, sử dụng công trình.

+ Các bản vẽ hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình được cải tạo có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (10x15cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo.

+ Đối với các công trình di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng, công trình hạ tầng kỹ thuật thì phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp.

Tuỳ thuộc địa điểm xây dựng công trình, quy mô công trình, tính chất công trình, đối chiếu với các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành và các quy định của pháp luật liên quan, hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng còn phải bổ sung các tài liệu sau:

+ Bản vẽ hệ thống phòng cháy chống cháy (PCCC) tỷ lệ 1/50 - 1/200, được đóng dấu thẩm duyệt đối với công trình thuộc danh mục yêu cầu phải thẩm duyệt phương án phòng cháy chống cháy theo quy định của pháp luật về PCCC.

+ Báo cáo kết quả thẩm định và văn bản phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công của chủ đầu tư theo quy định; Báo cáo thẩm tra thiết kế do cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng hoặc tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện, kèm theo các bản vẽ kết cấu chịu lực chính (móng, khung, tường, mái chịu lực) có ký tên, đóng dấu của tổ chức, cá nhân thiết kế.

+ Quyết định phê duyệt dự án kèm theo văn bản chấp thuận đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, văn bản tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở (nếu có) của cơ quan quản lý nhà nước về công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định.

+ Văn bản phê duyệt biện pháp thi công của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận, đối với công trình xây chen có tầng hầm.

+ Bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức thiết kế, cá nhân là chủ nhiệm, chủ trì thiết kế theo mẫu kèm theo bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm, chủ trì thiết kế.

- Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).

3. Thời gian xét duyệt hồ sơ

- Đối với công trình: 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Đối với nhà ở riêng lẻ: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

4. Trình tự xin giấy phép sửa chữa, cải tạo

Bước 1: Chủ đầu tư chuẩn bị hồ sơ theo quy định và nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Bước 2: Ủy ban nhân dân quận, huyện tiếp nhận kiểm tra hồ sơ

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì cấp biên nhận hồ sơ có ngày hẹn trả kết quả trao cho người nộp.

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì hướng dẫn để người nộp hoàn thiện hồ sơ.

Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân quận, huyện phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa. Khi thẩm định hồ sơ, Ủy ban nhân dân quận, huyện phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo: trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ bổ sung, Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo.

+ Trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ bổ sung, Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép;

Bước 4:

+ Căn cứ quy mô, tính chất, loại công trình và địa điểm xây dựng công trình có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo, Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện theo quy định để gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;

+ Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, các cơ quan quản lý nhà nước được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình. Sau thời hạn trên, nếu các cơ quan này không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình; Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ các quy định hiện hành để quyết định đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo;

Bước 5: Trong thời gian 30 ngày đối với công trình và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân quận, huyện phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép. Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì Ủy ban nhân dân quận, huyện phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định.

Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện để cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo trong thời hạn quy định, Ủy ban nhân dân quận, huyện thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ đầu tư biết.

Bước 6: Chủ đầu tư nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân quận, huyện theo thời hạn ghi trong giấy biên nhận. 

5. Thẩm quyền cấp phép sửa chữa, cải tạo

Ủy ban nhân dân quận, huyện

6. Lệ phí xin giấy phép sửa chữa, cải tạo

- Nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép): 75.000/giấy phép; 

- Công trình khác: 150.000 đồng/giấy phép.

7. Mẫu đơn xin giấy phép sửa chữa, cải tạo

- Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo theo mẫu (Theo mẫu tại Phụ lục số 16 Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng);

- Bản kê khai kinh nghiệm của tổ chức thiết kế (Theo mẫu Phụ lục 9 Thông tư số 10/2012/TT-BXD, ngày 20/12/2012 của Bộ Xây dựng).

Tin tức liên quan

02/08/2019

Công trình nhà ở được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn nhưng quy hoạch chưa được thực hiện thì phải gia hạn giấy phép xây dựng.

02/08/2019

Thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng công trình giúp điều chỉnh, thay đổi nội dung đã được đăng ký trong giấy phép xây dựng trước đó.