Source: KTS Mai Anh Tú trả lời báo Tuổi trẻ Online (https://tuoitre.vn/)
Vì sao anh chuyên những công trình vừa và nhỏ?
Thực tế chúng tôi không chỉ làm những công trình vừa và nhỏ, nhưng gần đây chú tâm hơn tới việc phát triển thị trường này thôi. Một bức tranh đẹp không phụ thuộc vào khổ giấy, nếu tất cả các KTS đều làm các công trình lớn vậy ai sẽ làm những công trình nhỏ.(cười), tôi luôn mong muốn có thể mang lại không gian chất lượng nhất cho bất kì ai chứ không riêng những chủ đầu tư nhiều tiền, đối với tôi để làm nên một cái chuồng gà cũng sẽ có bản vẽ thiết kế.
Rõ ràng sự thích dụng trong mỗi công trình là điều căn bản mà kiến trúc sư nào cũng biết…
Đúng vậy, thích dụng hay công năng là bài học vỡ lòng của kiến trúc sư, nhưng là bài học khó! Thích dụng không chỉ là ngăn chia không gian cho đúng dây chuyền, nó còn là cách ứng xử với khí hậu, văn hóa bản địa, tạo thói quen sinh hoạt tốt…
Chúng tôi từng giúp cải tạo một căn nhà, bề ngoài thiết kế "rất Tây" nhưng chủ nhà kêu khi trời mưa, khí hậu mát mẻ, muốn mở cửa để hít thở không khí trong lành thì lại không thể vì nước mưa tạt thẳng vào phòng. Trong trường hợp này kiến trúc sư chạy theo hình thức mà quên đi yếu tố thích dụng, rõ ràng nếu công năng không đặt lên hàng đầu, kiến trúc đẹp chỉ là thứ lãng phí!
Trước đây khi người Pháp mới đặt chân tới Việt Nam, họ mang nguyên mẫu kiến trúc của nước họ sang xây dựng tại Việt Nam. Sau một thời gian, họ phát hiện ra kiến trúc đó (nhất là công trình nhà ở) chưa phù hợp với khí hậu bản địa, Họ tiếp tục nghiên cứu văn hóa, lối sống của chúng ta rồi cải tiến thiết kế để khắc phục những bất lợi của khí hậu, đồng thời cho xây dựng những công trình mang đậm phong cách bản địa, nhiều công trình đến nay vẫn là những công trình mẫu mực.
KTS Mai Anh Tú - CEO Công ty Cổ phần Kiến trúc & Xây dựng TTAH
Thực trạng anh nói rất phổ biến, khi tất cả mọi người rất dễ tiếp cận kho thư viện kiến trúc trên thế giới và dễ bắt chước, nhưng kiến trúc sư cần chắt lọc những gì phù hợp. Vậy còn yếu tố bền vững theo anh?
Sự bền vững được đo bằng thời gian sinh hoạt trong nhà mà không bị sự cố hỏng hóc, nhà phố hiện nay phần đa đều xuống cấp nhanh, công trình phụ tắc nghẽn, nứt cổ trần, tường rêu mốc, gãy trần nhà… vậy sự bền vững đã không được tính toán kĩ.
Rõ ràng một ngôi nhà có tuổi thọ cao, thay vì sử dụng vài ba chục năm, nếu chú trọng từ khâu thiết kế đến việc tuân thủ quy trình thi công có thể dùng tới bảy tám mươi năm, giúp tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm sức người, hạn chế chất thải, bảo vệ môi trường. Đó cũng là cách giúp chủ đầu tư giảm giá thành, yên tâm sinh sống, tránh đảo lộn sinh hoạt mỗi khi nhà hỏng hóc.
Những quy định về kĩ thuật, khách hàng không hiểu được hết, trách nhiệm chính vẫn là do nhà thầu xây dựng có làm theo đúng nguyên tắc hay không. Đã từ lâu TTAH tập trung vào việc xử lý các vấn đề cốt lõi, để nâng cao tuổi thọ cho tất cả các công trình đã thi công, nhưng vài ngôi nhà bền vững là không đủ, rất cần những quy định tạo ra, để không chỉ những công trình lớn, mà nhà dân cũng phải được áp dụng.
Mục tiêu của anh là gì?
Mang lại tối đa sự thích dụng và bền vững cho mỗi công trình.
Một ngôi nhà về tài chính là sự dành dụm trong thời gian rất dài, trải nghiệm sống của mình ở trong đó là kết quả cuối cùng cần hướng tới, vì vậy tôi mong rằng khách hàng sẽ dành nhiều thời gian để trò chuyện với kiến trúc sư, đưa ra nhiều thông tin và lắng nghe những giải pháp của người làm nghề, cho kiến trúc sư đủ thời gian xây ngôi nhà trên giấy, thích dụng và bền vững mới là thứ quan trọng nhất rồi mới đến lớp "áo" đẹp bên ngoài!
Cám ơn anh đã tham gia trò chuyện, chúc anh gặt hái được nhiều thành công trong công việc và cuộc sống.