Chúng tôi giúp bạn thực hiện giấc mơ về một tổ ấm.

Bản Sắc Văn Hóa Dân Tộc Trong Kiến Trúc Chung Cư Đô Thị

24/11/2020

Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị văn hóa truyền thống được đúc kết lâu đời, là những nét riêng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác trong một cộng đồng người. Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng biệt biểu hiện qua hình thức phi vật thể hoặc vật thể mà chỉ có thể tìm thấy ở nơi đó mà không thể tìm thấy ở nơi khác. Bản sắc văn hóa dân tộc là một phạm trù lịch sử nên đánh giá bản sắc văn hóa dân tộc cần được xem xét theo quan điểm lịch sử cụ thể.

Bản sắc văn hóa dân tộc được coi như một trong những đặc trưng rất đặc biệt trong công cuộc xây dựng đất nước và phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, cốt cách, lý trí, sức mạnh của dân tộc, kết nối các cộng đồng người đoàn kết với nhau để cùng tồn tại, phát triển.

Những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những động lực to lớn bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của quốc gia dân tộc. Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII), Đảng ta khẳng định “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Các văn kiện Đại hội lần thứ IX, X và đặc biệt trong văn kiện Đại hội lần thứ XI (2011), đã nhiều lần nhấn mạnh nhiệm vụ “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc gồm đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng, được thể hiện trong công trình kiến trúc, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam. 

Thực trạng bản sắc văn hóa trong sáng tác kiến trúc

Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc

Trong Luật Kiến trúc 2019, một trong những nguyên tắc hoạt động kiến trúc được xác định là “Bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới. Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” và “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc”.

Từ xưa đến nay các nhà văn hóa và nhiều thế hệ KTS Việt Nam đã cố công đi tìm và khám phá, duy trì giá trị bản sắc văn hóa trong kiến trúc. Có thành công nhưng cũng nhiều thất bại. Nhiều KTS trẻ được đào tạo trong môi trường kiến trúc hiện đại hoài nghi sự tồn tại và giá trị của bản sắc dân tộc với nhiều tranh luận, bàn cãi. Quả thật, nếu áp một mái đình lên nóc nhà cao tầng hay gắn kiến trúc ngoại lai Trung Quốc, Pháp cổ điển trộn để thành kiến trúc Việt thì rất chắp vá, hỗn tạp. Tiếc rằng các công trình kiến trúc như vậy khá nhiều, hiện diện khắp các đô thị đến nông thôn.

kiến trúc 2022

Ý nghĩa việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc

Chúng ta sống trong một môi trường văn hóa truyền thống của dân tộc mình, vậy bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc của mình là lẽ đương nhiên. Nghiên cứu của Pierre Bourdieu đã chỉ ra con người không thể tránh khỏi việc phản ánh trên thân thể mình những vết tích của nền văn hóa mà từ đó ta lớn lên.

Tuy vậy, câu hỏi đặt ra trong thời đại toàn cầu hóa, thế giới phẳng hiện nay là: KTS, nghệ sĩ khi sáng tạo có thoát khỏi ảnh hưởng của nền văn hóa không? Chắc chắn vẫn có những trường hợp ngoại lệ các cá nhân đoạn tuyệt với bối cảnh xã hội, tôn giáo hay chủng tộc của mình. Nhưng nhờ sức mạnh của lòng yêu nước, rất nhiều trường hợp các cá nhân, vì chính nền văn hóa, cho phép mình thoát ra ảnh hưởng để tiếp thu tinh hoa văn hóa khác (trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó) cuối cùng trở về góp sức cho văn hóa dân tộc mình hoàn mỹ hơn.

Theo tôi, ý nghĩa việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc quan trọng nhất là giữ gìn cốt cách dân tộc trong quá trình phát triển của dân tộc; tạo ý thức tự tôn dân tộc và là nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững trong quá trình hội nhập quốc tế. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và bảo vệ mối quan hệ truyền thống sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên và xã hội.

Trong lĩnh vực kiến trúc, GS.TS.KTS Nguyễn Đức Thiềm cho rằng bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống Việt Nam bao gồm: Sự khiêm tốn và đơn giản về khối hình, kiến trúc cân xứng, hướng nội, hài hòa với thiên nhiên theo quan điểm thiên nhân hợp nhất, âm dương quân bình, nhất thể vũ trụ. Kiến trúc trên nguyên tắc không lấn át thiên nhiên gắn với tính ẩn dụ triết lý, sự hàm súc. Thường trang trí kiến trúc bằng chạm gỗ và điêu khắc, sử dụng vật liệu truyền thống địa phương khéo léo để thích ứng thiên tai, khí hậu theo vùng miền. Tạo hình rất chú trọng tỷ lệ hài hòa, tỷ xích con người Việt, hay áp dụng “thước tầm” làm đơn vị đo lường xây dựng; tính nhân văn cao không có công trình đồ sộ để trấn áp tinh thần, cảm xúc.

Bản sắc văn hóa dân tộc với thiết kế kiến trúc chung cư đô thị

Thực tiễn cho thấy, dù những định hướng nói trên là chính xác, đầy đủ nhưng lại rất khó để áp dụng cụ thể trong thiết kế kiến trúc chung cư cao tầng. Vốn dĩ chung cư cao tầng luôn luôn được gắn với quan niệm phải cao, mảng khối lớn, hình thức kiến trúc hiện đại và táo bạo về siloet, màu sắc, vật liệu bắt mắt.

Do đó, để xác định mối quan hệ liên thông gắn kết giữa quá khứ và hiện tại thông qua công trình kiến trúc cho người Việt Nam tùy từng địa phương, chúng ta sẽ phân tích, cắt lát từng nội dung các yếu tố tạo thành giá trị kiến trúc là tinh thần, công năng, điều kiện kỹ thuật vật chất và hình tượng nghệ thuật, trên 04 yêu cầu về thích dụng, bền vững, mỹ quan, kinh tế.

1. Nhu cầu tinh thần

a) Kiến trúc phản ánh xã hội, mang tính tư tưởng. Thể hiện quan điểm tư duy triết lý, tôn giáo – nhu cầu tâm lý người sử dụng mang đậm đà đặc thù dân tộc:

  • Quy hoạch: Nhu cầu đáp ứng về phong thủy, quan điểm truyền thống hướng nhà theo tuổi; các kiêng kỵ do tín ngưỡng (hồ ao, sông, cây cối, núi gò..). Có những công trình rất đẹp ở thành phố Hồ Chí Minh không bán được căn hộ chỉ vì tạo hình 3 khối nhà trên 1 khối đế giống hình tượng bát nhang cúng;

  • Kiến trúc: Chi phốí khá nặng nề bởi thuyết âm dương, ngũ hành, Dịch học và các thuyết tôn giáo tùy vùng miền (VD: Kiêng số chia hết cho 4);

  • Vật liệu: Theo ngũ hành, dân ta ưu tiên dùng gỗ, đá và trang trí chi tiết hoa văn nhỏ; sử dụng đơn vị thước tầm, thước Lỗ Ban cho cửa, bếp, chiều cao, nội thất, với quan điểm tạo Phúc Lộc Thọ cho gia đình.

2 .Công năng

Theo văn hóa, tập quán sinh hoạt truyền thống chung cư người Việt có nét khác biệt với các nước khác ví dụ:

  • Căn hộ gồm nhiều thế hệ sống nên lưu ý nhu cầu khá khác biệt;

  • Phải có diện tích cho văn hóa tâm linh (bàn thờ thờ cúng tổ tiên, tôn giáo, nơi đốt vàng mã); lễ hội truyền thống như tết, giỗ chạp;

  • Ưa thích thông thoáng khí trời tự nhiên, phòng khách thường là nơi tụ họp cả gia đình và thích ánh sáng rực rỡ. Hay mở cửa ra vào căn hộ thẳng ra hành lang và ưa thích hình thức giao lưu thân thiết, qua lại với láng giềng;

  • Hay nấu ăn thực phẩm tươi và chế biến bằng nước mắm, nên bếp cần tách riêng tránh mùi ám cả căn hộ và việc đổ rác tập trung một chỗ. Hay nói, hát, đi lại với âm lượng lớn nên phải rất lưu ý việc cách âm chung cư;

  • Ưa thích cây xanh, sân vườn truyền thống, nhiều lớp.

3. Điều kiện kỹ thuật

Do Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa nhiều vùng khá khác biệt, nên kiến trúc chung cư cao tầng chịu ảnh hưởng rất lớn của điều kiện thiên nhiên và khí hậu: Nắng, mưa, gió và bão. Tùy thuộc vào điều kiện đặc thù thiên nhiên, địa hình, khí hậu của từng nơi, từng vùng mà thiết kế các giải pháp kiến trúc phù hợp định hướng từ mặt bằng, bố cục không gian, xử lý vật liệu bao che. Không thể lấy nguyên kỹ thuật giải pháp kiến trúc của nước ngoài hoặc từ vùng này mang sang vùng khác để áp dụng máy móc. Gọi một cách khác là phải địa phương hóa kỹ thuật kiến trúc theo đặc thù địa phương theo nhu cầu sử dụng con người.

Rất nhiều kỹ thuật xây dựng, kiến trúc truyền thống cổ truyền, có thể cải thiện xử lý môi trường vi khí hậu và tạo công trình kiến trúc tiêu chí xanh, thân thiện môi trường.

4. Nghệ thuật

Ngoài việc gắn cái đẹp (mỹ) thì kiến trúc còn cần thể hiện nét văn hóa đặc thù của địa phương nơi công trình xây dựng. Mối quan hệ biện chứng khăng khít giữa bản sắc văn hóa dân tộc địa phương hiển hiện trên công trình và vẻ đẹp, độc đáo của công trình tạo nên bản sắc riêng biệt cho địa phương. Tổng hòa các yếu tố đó tạo nên sự rung cảm của con người hướng tới chân thiện mỹ, tình yêu Tổ quốc quê hương.

Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, theo kinh nghiệm thiết kế đô thị NewYork [4], tác giả giới thiệu thủ pháp đơn giản hóa có thể bổ sung hoặc gắn kết nét bản sắc địa phương, dân tộc vào hình thức kiến trúc chung cư cao tầng trên các đường phố đô thị hiện hữu:

a) Xác định nét đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục khu vực, đô thị;

b) Xác định các góc nhìn kiến trúc với công trình trên hè, hè đối diện và di chuyển trên đường [5] (tối đa trong khoảng cách 140-1200m ngưỡng nhìn của mắt người có thể phân biệt được hình khối, dáng dấp công trình) với người châu Á cao ~1,65 m, góc nhìn của mắt là 650+ 650 theo chiều ngang và 300 (trên) + 450 (dưới theo chiều đứng, trong đó nón nhìn rõ là 300); Đối với góc nhìn trên các trục đường tối đa cho phép +600. Xác định khoảng không gian kiến trúc trên công trình có ảnh hưởng đến cảnh quan không gian khu vực theo các góc nhìn kiến trúc sau:

  • Góc nhìn hướng lên bầu trời: Kiểm soát phần thân và đỉnh chung cư cao tầng. Phần công trình trong góc nhìn bầu trời cần tạo hình nhẹ nhàng, đơn giản và trung lập để hòa đồng tổng thể chung khu vực đô thị ở nhiều góc nhìn, không cần tham gia nhiều chi tiết.

  • Góc nhìn công trình: Sẽ là phần quan trọng tác động trực tiếp đến cảnh quan kiến trúc khu vực xây dựng chung cư. Thường là phần bệ đế chung cư cao tầng và các công trình phụ trợ.

  • Góc nhìn đường phố: Tạo không gian quan trọng trải nghiệm của người đi bộ. Sẽ cần sự hòa hợp hay tương phản của công trình với các thành phần trong góc nhìn này để tạo một bức tranh hoàn chỉnh.

c) Xem xét, tạo hình hoặc đưa các yếu tố chủ đạo đặc trưng cho bản sắc đã xác định tại bước a) vào không gian kiến trúc theo không gian góc nhìn diện tường công trình (hình 2) trên cột, cửa sổ, trang trí hoặc họa tiết. nếu cần thiết thêm hoặc giảm một số chi tiết, yếu tố đế công trình sao phù hợp, cân bằng với góc nhìn bên đường hiện hữu (hình 3)

Kết luận

Chung cư có thể nói là một bộ phận rất quan trọng và không thể thiếu trong hình thái đô thị hiện đại. Việc phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để thiết kế chung cư trong đô thị, xây dựng các hệ thống lý luận, kho dữ liệu để bảo vệ, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời tiếp thu chắt lọc các tinh hoa thế giới, kỹ thuật tiên tiến vào thiết kế kiến trúc là hết sức cần thiết và khả thi. Tuy nhiên cũng không nên duy ý chí áp đặt, khiên cưỡng trong sáng tác kiến trúc và có lộ trình dần loại bỏ những yếu tố lạc hậu, những tập quán đã không còn phù hợp với đời sống hiện đại.

Nguồn: Tạp Chí Kiến Trúc số 09-2020

 

Tin tức liên quan

05/04/2021

Ngày 26/03/2021 vừa qua, được sự đồng ý của Bộ Xây dựng, Vụ Quy hoạch kiến trúc phối hợp cùng Hội KTS Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh mới”

thiết kế nhà thoáng đẹp
24/11/2020

Trong nhiều giải pháp để bảo vệ sức khỏe thì việc nâng cao chất lượng không gian sống, giảm thiểu ô nhiễm không khí trong nhà cũng được quan tâm nhiều trong bối cảnh hiện nay