Vấn nạn sổ đỏ giả đang ngày càng có dấu hiệu hoành hành trở lại với nhiều chiêu trò tinh vi thậm chí có thể qua mắt cả cơ quan nhà nước.
1. Các thủ đoạn làm Sổ đỏ giả
Làm giả hoàn toàn Giấy chứng nhận
Theo các “thợ lành nghề” nhiều năm nhận làm sổ đỏ giả, chỉ cần một chiếc máy scan, vài thủ thuật chỉnh sửa trên máy tính, máy in màu là có thể cho ra đời hàng chục sổ đỏ.
Chưa kể đến sự “đầu tư” khi chữ ký trên Giấy chứng nhận cũng là “ký trực tiếp” nhờ vào việc “tập luyện” thường xuyên để quen tay, quen nét.
Giá của mỗi Giấy chứng nhận chỉ ở mức 4 - 5 triệu đồng.
Làm giả Giấy chứng nhận từ phôi thật
Đây là trường hợp mà ngay cả đến ngân hàng, văn phòng công chứng cũng khó có thể phân biệt được.
Lợi dụng tình trạng để mất các phôi thật tại nhiều cơ quan, kẻ gian dễ dàng làm giả sổ đỏ. Ngoài phần phôi, các đối tượng sẽ làm giả nội dung, con dấu, và chữ ký. Chúng thậm chí sử dụng địa chỉ nhà thật để tạo sự tin tưởng cao hơn.
Vì là phôi thật nên khi kiểm tra tất nhiên sẽ nhanh chóng được kết luận “không bị làm giả”, đủ điều kiện để tiến hành giao dịch
2. Cách nhận biết số đỏ giả
Sử dụng kính lúp để nhận biết sổ đỏ giả
Sổ đỏ giả: các họa tiết hoa văn không được tổ hợp tạo bởi những chấm mực nhỏ màu hồng, màu in bị chênh lệch độ đậm nhạt, không rõ nét bởi phương pháp in kỹ thuật số thông thường.
Sổ đỏ thật: các họa tiết hoa văn được tạo bởi tổ hợp các chấm mực hồng rất đồng đều và rõ nét. Sử dụng phương pháp in offset, Giấy chứng nhận thật sẽ có màu sắc rõ nét và đồng đều.
Dùng đèn pin hay các nguồn ánh sáng tương tự để phát hiện sổ đỏ giả
Chiếu ánh sáng xiên theo góc 10 - 20 độ ở vị trí đóng con dấu ở mặt trước và quan sát.
Sổ đỏ giả: mã số hiệu bị lệch so với dấu nổi, hình dấu in lõm và không hiển thị đủ nội dung vì phương pháp in màu kỹ thuật.
Sổ đỏ thật: mã số hiệu in vào chính giữa, hình dấu được in lồi và có thể đọc rõ các nội dung bằng phương pháp in Typo
Kiểm tra sổ đỏ giả thông qua các vị trí có thể bị tẩy xóa cơ học
Số sổ, số tờ, số thửa
Số vào sổ quyết định
Loại đất
Hình thức sử dụng
Diện tích (bằng số, bằng chữ)...
Thời hạn , sơ đồ
Giấy chứng nhận gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận) và Trang bổ sung nền trắng; mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm; bao gồm các nội dung theo quy định như sau:
* Trang 1 gồm Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” in màu đỏ; mục “I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
* Trang 2 in chữ màu đen gồm mục “II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, trong đó có các thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú; ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận
* Trang 3 in chữ màu đen gồm mục “III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”;
* Trang 4 in chữ màu đen gồm nội dung tiếp theo của mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch;
* Trang bổ sung Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm dòng chữ “Trang bổ sung Giấy chứng nhận”; số hiệu thửa đất; số phát hành Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận” như trang 4 của Giấy chứng nhận;
* Nội dung của Giấy chứng nhận do Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai) tự in, viết khi chuẩn bị hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận
Nhận biết số đỏ giả bằng cách tra mã vạch của giấy chứng nhận
Kiểm tra mã vạch của giấy chứng nhận cũng là một cách để kiểm tra sổ đỏ thật hay giả:
1. Mã vạch được in tại cuối trang 4 khi cấp Giấy chứng nhận.
2. Mã vạch được dùng để quản lý, tra cứu thông tin về Giấy chứng nhận và hồ sơ cấp Giấy chứng nhận; nội dung mã vạch thể hiện dãy số nguyên dương, có cấu trúc dưới dạng MV = MX.MN.ST, trong đó:
a) MX là mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có thửa đất, được thể hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, trường hợp cấp Giấy chứng nhận cho khu đất nằm trên nhiều đơn vị hành chính cấp xã thì ghi theo mã của xã có phần diện tích lớn nhất.
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì ghi thêm mã của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định vào trước mã của xã, phường, thị trấn nơi có đất;
b) MN là mã của năm cấp Giấy chứng nhận, gồm hai chữ số sau cùng của năm ký cấp Giấy chứng nhận;
c) ST là số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai tương ứng với Giấy chứng nhận được cấp lần đầu theo quy định về hồ sơ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cảm nhận bề mặt - Phương pháp nhận biết sổ đỏ giả bằng kinh nghiệm
Giấy chứng nhận thật khi cầm trên tay sẽ có độ nhám nhất đinh, trong khi đó, sổ đỏ giả lại “mượt hơn”, nhất khi được ép plastic sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị làm giả cao hơn. Thường sổ đỏ được ép plastic giữ gìn cẩn thận lại dễ bị làm giả bằng cách sử dụng máy scan để “quét” lại sổ thật rồi in màu. Để cho hai mặt sổ trùng nhau rất khó, nên các loại giấy tờ này thường được in từng mặt rồi dán lại. Do đó, phải ép plastic để tránh bị phát hiện.
Kiểm tra sổ đỏ tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất
Cách mà chắc chắn và an toàn nhất là mang giấy chứng nhận đến văn phòng đăng ký sử dụng đất đó là sổ đỏ thật hay giả. Nếu cơ quan nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì sẽ trả kết quả ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.