Vườn đá Nhật Bản còn có tên gọi khác là Karesansui hay có khi được gọi là Zen Garden, là một dạng vườn truyền thống của Nhật Bản. Vườn đá là sự kết tinh của văn hóa, lối sống, và vẻ đẹp thẩm mỹ đậm chất Á Đông, những khu vườn đá mang ý nghĩa tâm linh của Thần Đạo Nhật Bản (một giáo phái của Phật Giáo đưa con người hướng thiện và dẫn tới sự giải thoát). Cũng giống như các kiểu vườn khác của Nhật đều có tính thiền (Zen) trong đó nên không gian của vườn đá cho con người hòa mình vào không gian thư thái, tĩnh mịch, yên bình.
Đặc điểm nổi bật:
Khi nhắc tới vườn đá, chắc hẳn ai cũng hình dung ra một khu vườn mà sỏi đá là vật liệu chính, đúng như tên gọi của nó những thứ có nguồn gốc từ đá như: cát, sỏi, đá tảng được sắp xếp theo một trật tự nhất định để làm nên cái hồn của khu vườn, đôi khi cây xanh được sử dụng để khu vườn thêm sinh động.
Vườn đá Nhật Bản mang phong cách Thiền tông, được dùng nhiều trong trà thất, thiền viện. Điểm đặc biệt của vườn Karesansui là sự sắp đặt của sỏi, cát, đá thành những hình tượng trưng cho biển cả mênh mông với những đường lượn sóng, lăn tăn, gợi hình ảnh những con sóng ngoài khơi xa mà không có sự xuất hiện của nước. Thoạt đầu nhìn khu vườn có vẻ đơn giản nhưng để hiểu được giá trị thực sự ẩn chứa bên trong những hình ảnh tượng trưng thì đòi hỏi người ngắm cảnh phải ngồi trầm tư suy xét
Gắn kết khu vườn là những lối đi quanh co, mảnh, nhỏ, gần nhau diễn tả biển yên, gió lặng. Những đường rộng lớn, cong gợi biển có sóng to, gió lớn, mặt biển dữ dội. Cách trang trí này giống như hình ảnh quốc đảo Nhật Bản được biển bao bọc, nên rất có ý nghĩa đối với người dân nơi đây.Những hòn đá mang vẻ đẹp của phong trần thời gian được xếp nhóm theo số lẻ 1, 3,5,7,9…theo triết lý nhà Phật mang lại may mắn.
Những yếu tố tạo nên vườn đá:
Cát: mô phỏng dòng nước chảy, thường được cào theo đường sóng ngang dọc tùy ý nhưng phải tạo ra dòng chảy nhất định, cát sử dụng trong vườn đá thường là cát trắng hoặc xám nhạt, có thể sử dụng cát vụn xay từ đá granite để hạn chế tác động của mưa gió và giữ cho đường cào được lâu.
Đá: mô phỏng những hòn đảo giữa sóng nước.
Chỗ ngồi: chỗ ngồi bao quanh vườn thường là sàn gỗ hoặc đá, đôi khi được đặt ghế.
Tường bao: Khu vườn thường được khép kín và tách biệt với thế giới bên ngoài bởi một bức tường có mái che bao quanh, nhằm đem lại sự yên tĩnh tốt nhất để hành thiền.
Cây cối: được sử dụng không nhiều trong vườn đá, chủ yếu để làm điểm nhấn, có thể chỉ là một cụm rêu xanh, hoặc những khối cây được cắt tỉa gọn gàng.
Cũng giống như các kiểu vườn khác của người Nhật, vườn đã cũng được thiết kế dựa trên 3 nguyên tắc: chủ nghĩa tượng trưng, tỉ lệ thu nhỏ và quang cảnh vay mượn
Vườn đá đem lại cảm giác thanh bình đến lạ lùng, nhưng quang cảnh không khiến chúng ta cảm thấy nhàm chán mà tạo sự tò mò, ngắm nhìn vườn kỹ hơn, lâu hơn để khám phá sự tinh tế, cầu kỳ, ý nghĩa của khu vườn và góc sâu trong tâm hồn. Ngoài ra, vườn đá còn thể hiện gia chủ là người thanh cao, tôn trọng sự giản dị, hiểu triết lý sống phù hợp với những ngôi nhà có nét kiến trúc hài hòa, đơn giản.