Trong xây dựng, móng nhà là kết cấu quan trọng, được ví như nền tảng nâng đỡ mọi kết cấu khác của công trình. Thực tế hiện nay có rất nhiều loại móng nhà tuỳ theo đặc điểm kết cấu công trình, địa chất và khả năng kinh tế của chủ công trình. Vậy các loại móng đó là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp cho các bạn hiểu rõ hơn về một số loại móng nhà thông dụng trong xây dựng.
Móng, móng nền hay móng nhà là kết cấu kỹ thuật xây dựng nằm ở phần dưới cùng của một công trình xây dựng, đảm nhiệm chức năng truyền tải trực tiếp tải trọng của công trình vào nền đất. Móng công trình có nhiều loại. Tuỳ thuộc vào tải trọng, chiều cao của công trình và tính chất các tầng đất mà có những loại móng phù hợp được sử dụng.
Móng đơn
Các loại móng đỡ một cột hoặc một cụm cột đứng sát nhau có tác dụng chịu lực được gọi là móng đơn. Loại móng này thường được sử dụng dưới chân cột nhà, cột điện, mố trụ cầu...
Móng đơn
Móng đơn nằm riêng lẻ trên mặt đất, có hình dạng đa dạng từ hình vuông, hình chữ nhật, có khi là tám cạnh hoặc tròn... cho đến đặc điểm là móng cứng, móng mềm hoặc móng kết hợp. Các công trình nhà cửa quy mô nhỏ, hoặc công trình sửa chữa nhà nhỏ thường sử dụng loại móng này. Chi phí thi công móng đơn là tiết kiệm nhất trong tất cả các loại móng.
Cấu tạo: Móng đơn được cấu tạo bởi một lớp bê tông cốt thép dày có 1 cột trụ duy nhất. Với các công trình dân dụng và công nghiệp, phần đáy móng thường được đặt lên một lớp đất tốt với chiều sâu tối thiểu là 1m nhằm mục đích tạo ra 1 bề mặt bằng phẳng để tránh sự thay đổi giữa vùng giáp ranh của lớp đất tốt và xấu đồng thời tránh sự trương nỡ của loại đất có tính trương nỡ khi bị bão hòa nước.
Móng băng
Móng băng có dạng một dải dài, có thể độc lập hoặc giao nhau (cắt nhau hình chữ thập) để đỡ tường hoặc hàng cột. Để thi công móng băng, người ta thường là đào móng quanh khuôn viên công trình (tòa nhà) hoặc đào móng song song với nhau trong khuôn viên đó. Trong xây dựng nhà, móng băng được dùng phổ biến nhất do nó lún đều hơn và dễ thi công hơn móng đơn.
Móng băng gồm móng băng một phương và móng băng hai phương, có thể là móng cứng, móng mềm hay móng kết hợp. Cấu tạo móng băng gồm các bộ phận cụ thể như sau:
- Lớp bê tông lót móng, bản móng chạy liên tục liên kết móng thành một khối, dầm móng.
- Lớp bê tông lót dày 100mm.
- Kích thước bản móng phổ thông: (900-1200)x350 (mm).
- Kích thước dầm móng phổ thông: 300x(500-700) (mm).
- Thép bản móng phổ thông: Φ12a150.
- Thép dầm móng phổ thông: thép dọc 6Φ(18-22), thép đai Φ8a150
.
Móng băng
Móng bè
Móng bè hay còn được gọi là móng toàn diện, là loại móng nông thường được sử dụng chủ yếu ở những nơi có nền đất yếu, sức kháng nén yếu hoặc do yêu cầu cấu tạo của công trình như: dưới toàn bộ nhà có tầng hầm, kho hoặc bể vệ sinh, bồn chứa nước, hồi bơi.
Loại móng bè trong xây dựng này có nhiệm vụ liên kết cũng như phân phối tải trọng từ chân kết cấu cho các cọc, đồng thời chuyển một phần tải trọng xuống đất nền tại vị trí tiếp xúc giữa đáy bè và đất nền. Ở những công trình có nền đất yếu, móng bè sẽ là phương pháp an toàn và hiệu quả nhất bởi trọng lượng của móng sẽ được phân bổ đồng đều, trải rộng dưới toàn bộ công trình khiến tải trọng công trình cũng được giải đều trên nền đất, tránh được hiện tượng sụt lún.
Cấu tạo: Móng bè bao gồm một lớp bê tông lót móng, bản móng trải rộng dưới toàn bộ công trình, dầm móng.
- Lớp bê tông lót dày 100mm.
- Chiều cao bản móng phổ thông: 200mm.
- Kích thước dầm móng phổ thông: 300×700(mm).
- Thép bản móng phổ thông: 2 lớp thép Φ12a200.
- Thép dầm móng phổ thông: thép dọc 6Φ(20-22), thép đai Φ8a150.
Móng cọc
Đây là loại móng được sử dụng phổ biến cho các công trình có tải trọng lớn hay được xây dựng trên nền đất yếu, đặc biệt là trong các ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, cầu đường, thuỷ lợi - thuỷ điện... Móng cọc bao gồm có đài và cọc, có nhiệm vụ chính là truyền tải trọng từ công trình xuống các lớp đất tốt đến tận sỏi đá nằm ở dưới sâu và xung quanh nó.
Cấu tạo: Móng cọc gồm hai bộ phận chính là cọc và đài cọc.
- Cọc: là kết cấu có chiều dài lớn so với bề rộng tiết diện ngang, được đóng hoặc thi công tại chỗ vào lòng đất, đá, nhằm truyền tải trọng công trình xuống các tầng đất, đá, sâu hơn, đảm bảo cho công trình bên trên đạt các yêu cầu của trạng thái giới hạn quy định. Trong quá trình thi công móng cọc, cọc có thể được làm bằng gỗ, bê tông hoặc thép.
- Đài cọc: là kết cấu dùng để liên kết các cọc lại với nhau và phân bố tải trọng của công trình lên các cọc. Đài cọc thường phân ra thành đài cứng và đài mềm.
Kích thước cơ bản của đài:
+ Khoảng cách từ trung tâm của cột biên tới mép của đài không nên nhỏ hơn đường kính của cột, đường kính hoặc chiều dài cạnh bình quân của cọc, khoảng cách tính từ cọc tới mép đài không nên nhỏ hơn 150mm
+ Bề rộng bản đáy của đài cọc hai hàng hoặc đài cọc một hàng không nên nhỏ hơn 2 lần đường kính hoặc chiều dài cạnh cọc, cũng không nên nhỏ hơn 600mm, khoảng cách tính từ mép cọc tới mép đài không nên nhỏ hơn 150mm.
+ Độ dày của đài móng cọc phải căn cứ vào yêu cầu của kết cấu bên trên để xác định, và độ dày này tính từ mặt lớp đệm lên không được nhỏ hơn 300mm, khi đài hình côn, độ dày của mép đài cũng không được nhỏ hơn 300mm.
Với các loại móng cọc thường được sử dụng trong công trình xây dựng mà chúng tôi vừa tổng hợp trên đây, hy vọng các bạn có thể nắm vững và có thể tìm được cho công trình của mình loại móng nhà phù hợp và hiệu quả.