Chúng tôi giúp bạn thực hiện giấc mơ về một tổ ấm.

Rước tài lộc về nhà bằng các mẹo trồng cây theo phong thuỷ

04/02/2020

Các loại cây trồng trong nhà theo phong thủy không những làm đẹp không gian, đáp ứng yêu cầu về mảng xanh trong không gian sống mà còn giúp mang lại may mắn, tài lộc.

Có khá nhiều loại cây trồng trong nhà phù hợp với phong thủy để người trồng lựa chọn, tùy thuộc vào sở thích cũng như điều mong muốn mà người ta có thể chọn lưỡi hổ, phát tài, kim kiền, kim ngân, phất dụ,…

1. Yêu cầu phong thủy đối với cây trồng trong nhà

- Về hình dáng

 

 

 

Với những loại cây có lá quá nhỏ, cành dài loằng ngoằng, mọc quá um tùm, hoặc nhiều gai nhọn... có thể chứa khí xấu khiến các thành viên trong gia đình tranh cãi, gây mâu thuẫn hay có những vấn đề gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống.

Tốt nhất, nên chọn những cây có dáng tròn xinh, đầy đặn và viên mãn, tán lá rộng, có màu sắc tươi tắn, đậm đà thì nó sẽ mang lại những điều vô cùng tốt đẹp cho bản thân người trồng.

- Về mật độ trồng cây

 

Nếu trồng nhiều, dày quá thì sẽ làm hạn chế đi lượng ánh sáng mà cây được hấp thụ, từ đó làm giảm dương khí, gây ra những tác động tiêu cực đến vận may của người trồng. Thế nên không cần trồng nhiều, chỉ cần trồng đủ và phải có chế độ cắt tỉa phù hợp.

 

- Vị trí đặt cây

 

Vị trí đặt của từng loại cây khác nhau dù là trên bàn làm việc, phòng khách hay phòng ngủ, chân cầu thang cũng rất quan trọng. Chỗ đặt phải tuân theo đặc tính sinh trưởng của cây và phù hợp với vận mệnh của người trồng thì cây mới xanh tốt, mới phát huy hết hiệu quả phong thủy của nó.

 

2. Một số loại cây phong thuỷ thường trồng trong nhà

Cây kim tiền

Kim tiền là loại cây phú quý có tác dụng chiêu tài. Cây kim tiền được cho là có các yếu tố phong thủy: cây là mộc, trồng dưới đất là thổ, nước tưới là thủy, chậu trồng hoặc bình thủy sinh là kim. Lá kim tiền có viền tròn, xanh, mọng đầy sức sống, phù hợp với kiến trúc hiện đại.

 

Chính vì vậy kim tiền được đánh giá là loại cây đem đến tài lộc, thịnh vượng, giàu sang, sức khỏe cho gia chủ. Đặc biệt kim tiền nở hoa, gia chủ càng đắc lộc.

Chọn cây có thân xanh tươi, dày chắc, phiến lá hoàn chỉnh. Đặc biệt, cây đang nở hoa sẽ mang lại nhiều "lộc" nhất. Nên đặt cây kim tiền ở hướng Đông, Đông - Nam trong nhà, phòng họp, văn phòng...

 

Cây phát tài núi

Như tên gọi, cây phát tài được cho là mang đến tài lộc, may mắn và là biểu tượng của thành công. Sắc xanh vàng của lá cùng sức sống bền bỉ của cây sẽ đem lại sinh khí cho căn phòng.

 

Cây phát tài thích nghi tốt với điều kiện ánh sáng và độ ẩm trong nhà. Dáng thẳng, cành lá có phần gọn gàng, cây phát tài thích hợp để trang trí các góc trong phòng khách hoặc đặt dọc lối đi.

 

Cây phong lan

Đây là giống hoa được trồng trong nhà nhiều nhất ở phương Tây. Lan có nguồn gốc tự nhiên, biểu tượng cho nét vương giả, mang vẻ đẹp tinh tế và sang trọng.

 

Hoa lan được nhiều người yêu thích, trước hết nhờ hương thơm. Phong lan còn là biểu tượng của sự may mắn, phẩm chất cao thượng. Vẻ đẹp của hoa lan được coi là cổ điển, trong phong thủy tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở: tiền tài, sự hoàn hảo, sắc đẹp, trong trắng.

 

Cây điếu lan

 

Cây điếu lan còn gọi là dây nhện, lan mốc hoặc cỏ mệnh môn. Loài thực vật này có tác dụng làm sạch không khí, lọc bụi, hút chất độc. Người ta ví cây dây nhện như một chiếc máy lọc bụi mini tự nhiên. Nên đặt cây ở những vị trí nhiều bụi bẩn như cửa sổ, ban công, lối ra vào, nhà bếp. Cây cũng mang ý nghĩa tốt về phong thủy.

 

Cây ý lan

 

Cây có khả năng làm sạch không khí nhờ lọc các chất độc như aceton, benzen, formaldehyd, trichloroethylen. Đặt chậu cây này trong nhà giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tia bức xạ phát ra từ tivi, điện thoại, lò vi sóng, tủ lạnh...

Trong phong thủy, loài hoa này có tác dụng cân bằng trường khí, hấp thu nguồn năng lượng xung khắc, tạo nên không gian yên bình và hòa hợp.

 

Cây ngọc bích

Cây ngọc bích, còn gọi là hoàng kim ngọc diệp hay cây lá ngọc cành vàng... bởi lá có màu xanh ngọc bích, hình tròn xoe như đồng xu, rìa lá vàng, mọng nước mang ý nghĩa phong thủy tốt.



Cành lá cây ngọc bích tượng trưng cho tiền bạc. Khi hoa nở là biểu tượng của phú quý, giàu sang. Theo ngũ hành, cây lá ngọc cành vàng thuộc hành kim rất phù hợp với hướng Tây hoặc Tây Bắc. Cây ngọc bích còn có ý nghĩa "chiêu tài" nên rất phù hợp khi chưng ở chỗ máy đếm tiền hoặc quầy thu ngân, trước cửa hàng, lối ra vào để kích hoạt năng lượng tài lộc.

Lá cây ngọc bích xanh mướt quanh năm còn là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, sự trường tồn, tuổi trẻ vĩnh hằng.

 

Cây ngọc ngân

 

Ngọc ngân cũng là loại cây có tác dụng lọc khí, giúp không gian trong lành hơn, mang đến nhiều bổng lộc, may mắn. Nên đặt cây ở phòng khách hoặc trên bàn làm việc, văn phòng.

 

Cây sen đá

 

Sen đá được nhắc đến đặc biệt trong phong thủy, mang lại ý nghĩa tài lộc, may mắn cho gia đình. Nhiều gia đình trồng sen đá trong nhà do cây dễ thích nghi với môi trường.

Cây sen đá không chỉ làm không gian sống thêm tươi mát, mà còn mang lại cho gia chủ niềm tin vào tài lộc, cát tường. Loài cây cũng biểu tượng cho sự kiên cường.

 

Cây lưỡi hổ

Cây lưỡi hổ được đánh giá là một trong số những cây trồng trong nhà có khả năng hấp thụ khí độc tốt nhất. Ngoài ra theo phong thủy, trồng lưỡi hổ trong nhà có tác dụng trừ tà, hóa giải điềm xấu, đem lại điềm lành, sự may mắn, cảm giác an toàn, thoải mái cho gia chủ.

 

Dáng cây cứng cáp, khỏe mạnh của lưỡi hổ còn là biểu tượng cho sức mạnh cá nhân. Có thể đặt cây lưỡi hổ nhỏ trên bàn làm việc, hoặc lựa chọn những cây lớn đặt ở góc phòng.

 

Cây phật dụ trúc

 

Loài cây này được bán theo từng cành. Khi mua với số lượng cành khác nhau, gia chủ sẽ nhận về những ý nghĩa khác nhau. Cây được tạo hình rất đẹp mắt, thành bình hoa, chiếc thuyền, tiểu cảnh… nên rất dễ chưng ở bất kỳ không gian nào từ chật hẹp đến rộng rãi. Đây cũng là loại cây mang ý nghĩa tài lộc.

3. Cách chăm sóc các loại cây trồng trong nhà theo phong thủy

- Cần lựa chọn vị trí đặt cây đảm bảo đủ ánh sáng cho cây phát triển bình thường. Nếu trong điều kiện ánh sáng tự nhiên thì mỗi ngày, cây cần có khoảng 2 – 3 giờ hấp thụ ánh sáng. Nếu không thì cần chuẩn bị thêm đèn phát ra ánh sáng để giúp cây luôn xanh tốt, có thể quang hợp được.

- Đối với những cây cảnh trong nhà không cần tưới nước nhiều sẽ gây ngập úng, chỉ cần tưới một lượng vừa đủ khi thấy đất trong bình bị khô quá. Bên cạnh đó, có thể dùng thêm bình phun để phun cho cây, tăng cường độ ẩm, làm sạch lá, tăng hiệu quả quang hợp của cây và cho cây xanh tốt hơn.

- Vì là cây đặt trong nhà, ở bình thường sẽ có lỗ thoát nước ở dưới nên cần có đĩa đệm ở phía dưới chậu. Như vậy thì khi tưới nước sẽ không lo chảy lênh láng khắp nhà.

- Trong quá trình cây sinh trưởng cũng không thể bỏ qua bón phân, tăng cường dưỡng chất cho cây duy trì sự sống và phát triển. Tuy nhiên, cây cảnh thường đã được tạo dáng trước, nên không được bón nhiều, khiến cây phát triển mạnh sẽ làm mất dáng. Có thể khoảng nửa tháng/ lần bón phân vừa đủ cho cây.

- Cây trồng trong nhà thường sẽ bị mắc bệnh phấn trắng, khi ấy người trồng có thể dùng khăn và cồn để lau sạch. Đặc biệt không được dùng thuốc trừ sâu bởi sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người trong nhà, có thể thay thế bằng thuốc diệt muỗi. Nếu tình hình nghiêm trọng, có thể mang cây ra ngoài để chữa trị.

- Khi cây bị khô héo, lá vàng úa, rụng nhiều thì nên quan sát và điều chỉnh để giúp cây nhanh chóng phục hồi.

Tin tức liên quan

15/09/2020

Phong thủy bàn thờ luôn được nhiều người quan tâm. Bàn thờ được đặt ở nơi trang nghiêm và đúng hướng sẽ làm tăng nguồn năng lượng tích cực, mang đến những điều suôn sẻ, thành công cho gia đình cả năm.

 

14/07/2020

Địa thế mảnh đất là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống thành bại, hạnh phúc hay bất hạnh của gia chủ. Lựa chọn thế đất tốt, hóa giải thế đất xấu có thể mang lại may mắn, hưng vượng cho cả gia đình