Khác với gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp là loại gỗ được tạo thành nhờ sự kết hợp giữa keo hoặc hóa chất và nguyên liêu tận dụng của gỗ để tạo ra các tấm gỗ. Gỗ công nghiệp có tên quốc tế là Wood- Based Panel. Nhờ sự phong phú và đa dạng của loại gỗ này mà chúng ngày càng được sử dụng rộng rãi với các đồ nội thất gỗ.
Các sản phẩm gỗ công nghiệp hiện nay được cấu tạo với hai thành phần cơ bản là cốt gỗ công nghiệp và lớp bề mặt bao phủ cốt gỗ. Độ bền và tuổi thọ của gỗ công nghiệp phụ thuộc vào cốt gỗ công nghiệp còn lớp bề mặt tạo nên tính thẩm mỹ độc đáo và tăng cường độ bền cho sản phẩm.
Các loại cốt gỗ công nghiệp được sử dụng phổ biến cho đồ nội thất gỗ
Cốt gỗ ván dăm MFC:
Đây là loại được dùng nhiều trong nội thất gỗ văn phòng hiện nay. MFC là từ viết tắt của Melamine Faced Chipboard, là gỗ ván dăm phủ Melamine. Nguyên liệu sản xuất gỗ MFC là gỗ rừng trồng ngắn ngày như cao su,keo, bạch đàn… Cây gỗ được băm nhỏ, trộn với keo và ép tạo thành độ dày và ép dưới áp suất cao.
Các tấm gỗ MFC có độ dày phổ biến là 9mm, 12mm, 15mm, 18mm, 25mm. Kích thước quy chuẩn của tấm MFC là 1220mmx2440mm, 1350x2440mm, 1830x2440mm
Điểm dễ nhận biết của cốt gỗ ván dăm MFC là bề mặt cốt gỗ không mịn, bằng mắt thường ta có thể quan sát được các dăm gỗ. Cốt gỗ MFC có hai loại là loại thường và loại chống ẩm. Loại chống ẩm thường nặng hơn loại thường khoảng từ 40kg/m3 đến 60kg/m3.
Cốt gỗ MDF:
Chất liệu gỗ MDF được biết đến từ lâu và được dùng khá rộng rãi để sản xuất đồ nội thất gỗ. MDF là từ viết tắt của cụm từ Medium Density Fiberboard, có nghĩa là ván sợi mật độ trung bình.
Thành phần cơ bản của ván gỗ MDF đó là: bột sợi gỗ, chất kết dính, parafin wax, chất bảo vệ gỗ (chất chống mối mọt, chống mốc), bột độn vô cơ.
Nguyên liệu và công nghệ sản xuất gỗ MDF cũng giống như gỗ MFC, nhưng gỗ nguyên liệu được nghiền thành các sợi gỗ Cellulo. Các bột sợi gỗ Cellulo được rửa trôi các tạp chất, khoáng chất nhựa… và đưa vào máy trộn cùng với keo cùng với phụ gia khác để ép ra thành các tấm ván với các độ dày khác nhau. Do đó khi cắt ngang một tấm gỗ MDF, ta thấy bề mặt của tấm gỗ mịn hơn và không có những dăm gỗ nhỏ như MFC.
Kích thước quy chuẩn của tấm gỗ MDF là 1220mmx2440mm, với các độ dày 3mm,6mm,9mm, 12mm, 15mm, 18mm, 25mm.
Có 4 loại gỗ MDF là MDF dùng trong nhà (các sản phẩm nội thất gỗ gia đình), MDF chịu nước( dùng cho một số yêu cầu ngoài trời, nơi ẩm ướt), MDF mặt trơn( có thể sơn ngay, không đòi hỏi phải chà nhám nhiều) và MDF mặt không trơn( dùng để tiếp tục dán ván )
Cốt gỗ HDF:
Cốt gỗ HDF là loại gỗ công nghiệp có thành phần gỗ tự nhiên cao nhất( chiếm khoảng 85%) và cũng là loại gỗ công nghiệp sản xuất đồ nội thất gỗ có giá thành đắt nhất hiện nay, HDF là viết tắt của cụm từ High Density Fiberboard ( gỗ ván sợi mật độ cao ). Cũng như MFC và MDF, nguyên liệu dùng để chế tạo HDF cũng là gỗ rừng trồng, sau khi sơ chế lọc bỏ bụi bẩn, gỗ được luộc và sấy khô trong nhiệt độ từ 1000-2000 độ C trước khi nghiền thành bột. Sau khi trộn bột gỗ và các chất phụ gia, bột gỗ được đem đi ép dưới áp suất cao (850-870g/cm2) để tạo thành các tấm gỗ. Chính vì được ép dưới nhiệt độ và áp suất cao nên gỗ HDF có tỉ trọng cao hơn MDF, có độ cứng và độ bền cơ lý cùng khả năng chịu va đập rất cao. Chình vì đặc điểm này mà HDF được ứng dụng và lựa chọn rất nhiều cho sản xuất đồ nội thất gỗ.
Kích thước tấm HDF tiêu chuẩn là 1220x2440mm, có độ dày từ 6-24mm tùy vào nhu cầu sử dụng. Nét đặc trưng của cốt gỗ HDF là gỗ có màu vàng đậm, bề mặt nhịn, nhẵn. Ngoài HDF thường còn có HDF chống ẩm.
Hiện nay, An Cường là đơn vị chuyên phân phối các tấm gỗ công nghiệp HDF hàng đầu tại Việt Nam, tại An Cường gỗ HDF có 2 loại chính: gỗ HDF siêu chống ẩm và gỗ Black HDF siêu chống ẩm.
Cốt gỗ dán- Plywood
Gỗ công nghiệp Plywood hay còn gọi là gỗ dán, ván ép; là loại gỗ công nghiệp khá quen thuộc với các các đồ nội thất gỗ trong nhà. Gỗ dán Plywood được chế tạo từ gỗ tự nhiên lạng mỏng, xếp chồng lên nhau, giữa các lớp này được dán với nhau bằng keo phenol hay formandehyde dưới tác dụng của nhiệt độ và lực ép.
Cốt gỗ dán PlywoodCó nhiều loại ván ép, theo nguồn gốc nguyên liệu chế tạo thì có hai loại:
- Ván ép gỗ mềm làm từ loại gỗ như gỗ thông và bạch dương.Ván ép gỗ cứng thường làm từ những lọai gỗ như gỗ cây dái ngựa, cây lauan, cây bulo
- Gỗ ván ép có tính bền, độ sáng, độ cứng, tính chịu lực kéo, tính ổn định vật lý chống lại trạng thái vênh, co rút và xoắn.
- Cốt gỗ ghép thanh:
Gỗ ghép thanh được tạo thành từ các thanh gỗ nhỏ, ghép lại với nhau bằng các loại máy móc, công nghệ hiện đại tạo thành một tấm ván gỗ có kích thước lớn. Các thanh gỗ là gỗ tự nhiên như keo, cao su, sồi, tần bì,,,Ngoài ra, để tăng độ kết dính giữa các thanh gỗ người ta còn sử dụng các loại keo Urea Formaldehyde (UF), Phenol Formaldehyde (PF) hay Polyvinyl Acetate (PVAC)
Do được ghép từ những thanh gỗ tự nhiên nên gỗ ghép thanh giữ được độ đặc chắc và vân tự nhiên so với gỗ tự nhiên, lại được gia công công nghiệp nên không bị cong vênh co ngót, không bị mối mọt. Đây chính là 1 trong những đặc điểm tạo ưu thế cho gỗ dán khi người mua lựa chọn đồ nội thất gỗ.
Ván gỗ nhựa:
Các loại ván gỗ kể trên ít nhiều cũng gặp vấn đề trương nở, ẩm mốc khi gặp nước đối với các khu vực nhà bếp, nhà tắm thường xuyên phải tiếp xúc với nước; mối mọt tấn công làm giảm độ bền của sản phẩm…Do đó, ván nhựa ra đời là giải pháp thay thế hoàn hảo cho những đồ nội thất gỗ thông thường ở khu vực có độ ẩm cao.
Gỗ ván nhựa (wood plastic composite) còn gọi là gỗ composite, có thành phần cấu tạo chính là bột gỗ và nhựa, ngoài ra còn có thêm các chất phụ gia ( bột gỗ chiếm 55% – Hạt nhựa 36% – Bột đá 6% – Hợp chất kết dinh 3%).
Bột gỗ lấy từ những phụ phẩm tự nhiên như mạt cưa, sợi bột giấy, vỏ đậu phộng, tre nứa, trấu,., và nhựa có thể sử dụng nhựa HDPE, PVC, PP, ABS, PS,… Bột nhựa gỗ được trộn đều, đồng nhất, sau đó được gia công ép thành các hình dạng theo yêu cầu. Tùy theo ứng dụng mà các phụ gia như chất tạo màu, chất tạo nối, chất ổn định, chất gia cường, chất tạo nổi,… để tạo ra các tấm gỗ nhựa có tính chất phù hợp.
Do có sự kết hợp giữa thành phần nhựa và gỗ nên gỗ nhựa có ưu điểm so với các loại gỗ công nghiệp khác là có thể tạo hình được bất kỳ hình dạng nào theo yêu cầu. Nó dễ dàng uốn, và cố định để tạo thành các đường cong lớn, chống nứt nẻ, cong vênh, mục nát, kháng mối mọt và chống ẩm tuyệt vời. Nhựa gỗ vừa có tính chất như gỗ là có thể gia công bằng các công cụ mộc truyền thống một cách dễ dàng.
Gỗ nhựa thân thiện với môi trường hơn, tốn ít chi phí bảo trì, sửa chữa hơn các loại gỗ rắn thông thường. Điểm đặc biệt của gỗ nhựa là không cần sơn hay bao phủ bề mặt, bởi trong quá trình sản xuất đã trộn lẫn các màu sắc cần thiết và chất chống tia UV bay màu, do đó khả năng giữ màu của gỗ nhựa rất tốt. Có thể nói đồ nội thất gỗ nhựa thích hợp với tất cả điều kiện môi trường, kể cả môi trường thường xuyên tiếp xúc với nước.
Kích thước tiêu chuẩn tấm gỗ nhựa là 1220x2440mm với các độ dày thông dụng 3mm, 5mm, 9mm, 12mm, 18mm.
2. Các loại bề mặt gỗ công nghiệp
Để đồ nội thất gỗ công nghiệp được bền và tạo nên độ thẩm mỹ cho gỗ, các loại cốt gỗ công nghiệp thường được phủ lên một loại bề mặt phù hợp, dưới đây là các loại bề mặt được dùng phổ biến:
Bề mặt Melamine
Melamine là một loại mặt nhựa tổng hợp, có bề dày rất mỏng từ 0.4-1 zem( 1 zem= 0.1mm). Về cơ bản thì melamine có cấu tạo gồm 3 lớp chính là lớp giấy nền Overlay (lớp màng phủ bên ngoài), lớp Decorative Paper (lớp phim tạo màu mỹ thuật) và lớp Kraft Paper (lớp giấy nền). Ba lớp này kết hợp chặt chẽ với nhau qua quá trình ép ở nhiệt độ và áp suất cao bằng keo Melamine.
Màu sắc của melamine rất phong phú,có khoảng 1000 mẫu màu khác nhau. Các tấm gỗ công nghiệp phủ melamine có đặc điểm là màu sắc đồng đều, rất tươi, sáng màu. Ngoài ra, melamine còn có nhiều ưu điểm như chống xước tốt, chống mối mọt, cong vênh. Bề mặt melamine có thể phủ lên hầu hết các loại cốt gỗ công nghiệp, và được lựa chọn nhiều cho các đồ nội thất gỗ.
Bề mặt Laminate
Tương tự như melamine, bề mặt laminate cũng là nhựa tổng hợp, nhưng laminate có độ dày hơn so với melamine. Độ dày của laminate là 0.5-1mm tùy từng loại, thông thường laminate sử dụng có độ dày là 0.7 hoặc 0.8mm. Laminate có cấu tạo cơ bản gồm 3 lớp chính là lớp overlay trên cùng, lớp decorative paper và lớp kraft paper.
Lớp overlay (lớp màng phủ) là một lớp melamine trong suốt, có tác dụng tạo sự ổn định, tạo độ cứng, chống nước, chịu nước, chống va đập, kháng mối mọt, vi khuẩn, chống sự tác động của hóa chất bên ngoài và dễ vệ sinh lau chùi. Chính nhờ ưu điểm này mà Laminate luôn được ưu tiên lựa chọn cho đồ nội thất gỗ nhà bếp.
Lớp decorative paper là lớp phim tạo màu kỹ thuật, trên lớp phim này có in các mẫu màu và hoa văn, khi bị ép dưới áp suất và nhiệt độ cao, lớp overlay sẽ nóng chảy và bám chặt vào lớp phim, giúp cho màu sắc thật và bền.
Lớp kraft paper là lớp giấy nền, muốn tăng giảm độ dày của bề mặt laminate thì tăng giảm độ dày của lớp giấy nền này.
Laminate còn có thể dán vào gỗ uốn cong theo công nghệ postforming, tạo nên những đường cong mềm mại duyên dáng. Bề mặt laminate có thể phủ lên tất cả các loại cốt gỗ công nghiệp. Màu sắc của laminate là vô cùng phong phú, không hoa văn hay màu sắc nào mà laminate không thể làm được, từ màu trơn, vân gỗ, vân đá, màu kim loại,3D, nhờ đặc điểm này mà đồ nội thất gỗ sử dụng Laminate có tính thẩm mỹ cao… với nhiều kiểu bề mặt khác nhau.
So với melamine, thì laminate là vật liệu bề mặt nhân tạo có nhiều ưu điểm hơn hẳn về các tính năng ổn định, màu sắc phong phú, đồng đều, bề mặt đa dạng, đặc biệt có khả năng chịu lực cao, chịu chày xước, chịu lửa, chịu nước, chống mối mọt và hóa chất.
Bề mặt Veneer
Veneer là loại có nguồn gốc từ gỗ tự nhiên. Gỗ tự nhiên sau khi khai thác, được cắt (bóc ly tâm) thành những lát dày từ 0.3mm – 0.6mm, rộng khoảng 180mm, dài khoảng 240mm sau đó đem đi phơi và sấy khô.
Bề mặt veneer có ưu điểm là dễ thi công, giá thành rẻ hơn so với gỗ tự nhiên, chống mối mọt, cong vênh và có thể tạo được các đường cong theo ý muốn. Chính vì thế mà Veneer được ứng dụng rộng rãi cho sản xuất nội thất gỗ
Bề mặt sơn bệt:
Bề mặt sơn bệt là bề mặt được sơn PU sơn trực tiếp lên cốt gỗ công nghiệp sau khi đươc sơn lót hai lớp, chà nhám và sơn màu một lớp. Gỗ công nghiệp sơn PU có rất nhiều màu sắc khác nhau như màu xanh, đỏ, trắng, tím, vàng… bề mặt sơn bệt được sử dụng nhiều cho nội thất gỗ trong showroom, phòng trẻ con, con gái, triển lãm…
Sơn PU (Polyurethane) là loại sơn hai thành phần, gồm các thành phần nhựa Polyol kết hợp với disocyanate, dung môi hữu cơ và các thành phần phụ gia khác. Gỗ công nghiệp được sơn phủ PU thường bền màu, bền nước và tia cực tím, bền với thời tiết.
Bề mặt Acrylic
Nội thất gỗ công nghiệp phủ bề mặt acrylic là một trong những loại có giá thành cao, được nhiều người ưa thích bởi bề mặt sáng bóng đặc trưng. Gỗ acrylic hay còn gọi là gỗ bóng gương hay gỗ acrylic bóng gương. Tại Việt Nam, acrylic phổ biến với tên gọi là Mica.
Acrylic là một loại nhựa có nguồn gốc từ tinh chế dầu mỏ và có tên khoa học là PMMA – viết tắt của poly (methyl)-methacrylate. Acrylic có thể là trong suốt hoặc có màu sắc với nhiều sự lựa chọn khác nhau.
Acrylic gồm 3 loại: bóng gương, chống trầy và pha lê, tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà lựa chọn loại phù hợp. Màu sắc của arcylic cũng rất phong phú và đa dạng, bền màu, không bay màu, tuổi thọ cao, nên được ứng dụng trong các sản phẩm nội thất gỗ. Bề mặt sáng bóng dễ vệ sinh, tiết kiệm thời gian bảo dưỡng, dọn dẹp, chống ẩm mốc, hạn chế cong vênh, thân thiện với môi trường, chịu được tác động mạnh.
Đồ nội thất gỗ acrylic toát lên vẻ đẹp hiện đại, sang trọng, quý phái tuy nhiên do máy móc để làm nội thất gỗ acrylic cần hiện đại và có độ chính xác cao cùng với hệ thống máy dán cạnh phải hiện đại, tinh xảo nên giá thành tương đối cao.
Mỗi loại gỗ đều mang những đặc điểm nổi trội và những ưu điểm đặc biệt khác nhau. Chính vì vậy mà đồ nội thất gỗ công nghiệp càng ngày càng trở nên phong phú đa dạng và mẫu mã đẹp hơn, càng ngày càng chinh phục được nhiều khách hàng kể cả những vị khách khó tính.