Chúng tôi giúp bạn thực hiện giấc mơ về một tổ ấm.

Kinh nghiệm quản lý tài chính khi xây nhà

27/08/2019

Thiếu khả năng kiểm soát chi phí xây nhà đồng nghĩa với việc tự dồn mình vào những tình huống dở khóc dở cười: đang thi công nhà thì thiếu chi phí xây dựng, hoàn thiện nhà nhưng các mục đích khác không thực hiện được,... Vậy làm như thế nào để quản lý tài chính hiệu quả khi xây nhà?

1. Ước tính chi phí xây dựng một căn nhà

 Ước tính chi phí xây nhà là việc mà mọi chủ nhà hay chủ đầu tư đều cần phải thực hiện để mọi hoạt động xây nhà được diễn ra xuyên suốt, đúng kế hoạch. Để có thể ước tính được cụ thể chi phí xây nhà, bạn cần lập bảng dự toán công trình. Bảng dự toán công trình tiêu chuẩn phải:

-         Liệt kê toàn bộ các khoản cần có để hoàn thành một căn nhà như chi phí vật tư thực hiện, chi phí nhân công, chi phí máy móc thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí phát sinh (5-10%)...

-         Liệt kê số lượng cụ thể của từng công tác chủng loại vật tư, miêu tả chi tiết về vật tư cũng như trang thiết bị thực hiện: nguồn gốc xuất xứ, chủng loại trang thiết bị, tên kỹ thuật, đơn giá...

-         Tham khảo các mẫu mã chủng loại vật tư trên thị trường để đưa ra được mức giá trung bình phù hợp.

-         Tính chi phí tổng của các khoản mục.

-         Tính thêm chi phí dự phòng, phát sinh  trong quá trình thi công.

 Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của một kĩ sư xây dựng thì còn có thêm các khoản chi phí khác mà bạn cũng cần lưu ý:

-         Chi phí khảo sát địa chất và gia cố nền móng: nếu ngôi nhà được xây dựng trên nền đất yếu thì gia cố là công tác bắt buộc để đảm bảo sự vững chắc và an toàn của toàn bộ kiến trúc thi công. Chủ đầu tư cần thêm một khoản chi phí để gia cố móng bằng cọc ép hoặc cọc nhồi. Khoản chi phí này có thể dao động từ 50 đến 200 triệu đồng tùy thuộc vào quy mô ngôi nhà.

-         Chi phí bổ sung cho quá trình thi công: trong quá trình thi công, có thể chủ đầu tư phải bỏ ra một khoản chi phí cho quá trình thi công thêm mới hay bổ sung một số những yếu tố cho ngôi nhà. Thường khoản chi phí cho các vấn đề này rơi vào 5 - 10% chi phí dự trù phát sinh.

-         Chi phí tu bổ ngôi nhà: một ngôi nhà được thi công xong không phải là đã hoàn thiện tất cả. Trong thời gian sử dụng, có thể chủ đầu tư phải bỏ ra một khoản chi phí cho công tác sửa chữa, tu bổ lại ngôi nhà, đảm bảo về mặt chất lượng của công trình.

2. Quản lý tài chính khi xây nhà hiệu quả

Để quản lý chi phí một cách hiệu quả, bạn nên:

Khảo sát các căn nhà xung quanh

Khảo sát các căn nhà xung quanh là việc giúp bạn có thêm thông tin về địa hình địa chất khu đất chuẩn bị xây dựng. Có phải sử dụng phương án gì (như đóng cừ tràm, ép cọc, khoan cọc nhồi...) để gia cố móng hay không? Nếu có thì gia cố ra sao và tốn bao nhiêu tiền? Nếu như thời điểm xây nhà xung quanh càng gần thì càng chính xác, còn nếu đã lâu rồi thì chủ đầu tư cần cập nhật lại giá cả theo thị trường. Ngoài ra, nếu có các căn nhà ngay bên cạnh đang được xây dựng thì khảo sát còn giúp bạn có thể trao đổi rõ ràng hơn về việc làm rào tạm thời hoặc che chắn để bảo vệ công trình và không làm ảnh hưởng tới công trình bên cạnh, tránh tường hợp tranh chấp, kiện tụng sau này.

Lập bản vẽ thiết kế sơ bộ của căn nhà

Đây chính là cơ sở quan trọng nhất để có thể ước tính giá thành xây dựng cơ bản cho ngôi nhà. Bạn có thể hình dung cụ thể hơn về căn nhà của mình, từ đó có thêm cơ sở điều chỉnh kết cấu nếu thấy không phù hợp. Bản vẽ thiết kế sơ bộ sẽ gồm có các bản vẽ mặt bằng, mặt cắt và phối cảnh mặt tiền của căn nhà. Đừng ngại ngần liên hệ với các kiến trúc sư để thuận tiện cho quá trình thiết kế ngôi nhà của mình. Vừa tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc lại vừa hạn chế được tối đa các rủi ro có thể gặp phải.

Ước tính chi phí xây dựng phần thô dựa trên thiết kế sơ bộ

Dựa vào thiết kế sơ bộ, bạn hãy ước tính chi phí xây dựng cơ bản phần thô và nhân công phần hoàn thiện thông qua việc:

-         Khảo sát đơn giá xây dựng trung bình chung cho 1 mét vuông sàn xây dựng.

-         Phân loại nhóm diện tích sàn có tính chất giống nhau.

-         Áp dụng đơn giá cụ thể cho từng loại diện tích.

-         Thực hiện công tác hợp đồng với bên nhà thầu xây dựng.

 Ước tính những khoản chi phí cho công tác mua sắm vật tư, thiết bị hoàn thiện

Việc ước lượng chi phí mua sắm vật tư, thiết bị hoàn thiện sẽ chỉ mang tính tương đối nếu không có bản thiết kế hoàn chỉnh. Chính vì thế, hãy yêu cầu đơn vị thiết kế hoặc thi công trình bản vẽ cụ thể, đầy đủ nhất để bạn tiện theo dõi nhất.

Hãy:

-         Liệt kê hết các loại vật tư, thiết bị sử dụng cho căn nhà

-         Dựa vào bản thiết kế, thông kê lại số lượng cụ thể cho từng loại

-         Tham khảo các mẫu mã, đơn giá cho từng loại vật tư

-         Áp đơn giá và số lượng vật tư, thiết bị để tính tổng chi phí.

Đừng quên, bạn có thể nhận lời khuyên từ những người có kinh nghiệm, chuyên gia thiết kế, xây dựng... nếu thấy thông tin từ Internet quá khó hiểu.

Dự trù các khoản chi phí đảm bảo chất lượng công trình

Chi phí đảm bảo chất lượng công trình chính là chi phí thiết kế và chi phí giám sát. Công tác thiết kế mang lại cho bạn một căn nhà với bố cục hợp lý về không gian, màu sắc, tối ưu diện tích xây dựng, kết cấu đảm bảo khả năng chịu lực, giảm thiểu các chi phí phát sinh do phải thay đổi trong quá trình thi công. Công tác giám sát giúp bạn có được căn nhà được thi công đúng theo thiết kế, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong xây dựng, tránh các lỗi về kỹ thuật có thể phát sinh chi phí để sửa chữa trong giai đoạn sau này.

Lập hợp đồng chặt chẽ với nhà thầu thi công

Việc phát sinh các vấn đề xây dựng là điều không thể tránh khỏi, nhưng nếu ký kết hợp đồng chặt chẽ với đơn vị thi công, bán sẽ tránh được việc phải ôm nguyên một khoản chi phí không hề nhỏ để khác phục các sai sót đó. Với những trường hợp đơn vị thi công thực hiện chậm tiến độ, chất lượng kém... khiến cho bạn vừa mất thời gian vừa mất tiền, hợp đồng chính là căn cứ cụ thể nhất để giải quyết. Cho nên việc thỏa thuận một hợp đồng chặt chẽ có thể giúp chủ đầu tư phòng tránh những vấn đề nói trên và ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của nhà thầu đối với công trình.

Mặc dù mọi hoạt động ước tính đều không thể giúp bạn kiểm soát được tối đa 100% chi phí xây dựng công trình. Tuy nhiên, nếu không có những kế hoạch quản lý chi phí xây dựng một cách rõ ràng, rất có thể công trình nhà bạn bị chậm tiến độ vì thiếu tiền, thiếu nguyên vật liệu hoặc nếu không thì là bạn phải tốn thêm rất nhiều khoản tiền để khắc phục các vấn đề phát sinh. Chính vì vậy, tìm hiểu các kiến thức, kinh nghiệm quản lý chi phí xây dựng sẽ giúp cho bạn có thể thực hiện, quản lý công trình nhà mình một cách hiệu quả nhất.

Tin tức liên quan

02/06/2022

Trước khi tính toán đầu tư thiết kế nội thất căn hộ chung cư đẹp bạn phải biết được diện tích mặt sàn sử dụng của mình là bao nhiêu, trong từng không gian chức năng, như phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh.